Kiểm duyệt và phân loại phim

Hệ thống kiểm duyệt và phân loại phim điện ảnh có vai trò kiểm duyệt, chỉnh sửa và sắp xếp các bộ phim (và cả trailer quảng bá của bộ phim đó), Video âm nhạc (MV) sao cho phù hợp từng đối tượng khán giả dựa trên những yếu tố như độ phức tạp của nội dung, hình ảnh tình dục, khỏa thân, kinh dị, bạo lực, ngôn từ tục tĩu, sử dụng chất gây nghiện và một số nội dung gây tranh cãi khác như chính trị, tôn giáo, lịch sử... Phim ảnh là một lĩnh vực có tác động rất lớn đến hành vi, ứng xử, quan niệm đạo đức của xã hội, là một công cụ tuyên truyền tư tưởng mạnh mẽ. Nếu không có cơ quan Nhà nước thực hiện kiểm duyệt phim ảnh trước khi trình chiếu thì các nhà sản xuất sẽ đua nhau đưa các hình ảnh khiêu dâm, khỏa thân, bạo lực vào phim để "câu khách", gây ra những tác hại rất lớn tới đạo đức xã hội (một số bộ phim đã từng gây ra bạo loạn vì có nội dung nhạy cảm về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc). Vì vậy luật pháp các nước luôn quy định phim ảnh bắt buộc phải trải qua kiểm duyệt trước khi được cấp phép trình chiếu. Ở các nước, những bộ phim sẽ phải trải qua kiểm duyệt bởi một cơ quan Chính phủ chuyên trách (ví dụ như Cục Điện ảnh, Bộ Thông tin, Ủy ban truyền thông...) để chỉnh sửa, cắt bỏ những cảnh phim xấu, mức cao nhất là cấm trình chiếu để ngăn chặn những bộ phim có hình ảnh, nội dung xâm phạm chính trị, gây hại cho đạo đức xã hội (ví dụ như hình ảnh Đường lưỡi bò thường được lồng ghép vào các bộ phim của Trung Quốc, hoặc những hình ảnh khiêu dâm, bạo lực nhiều khi xuất hiện trong phim Âu Mỹ, nếu Nhà nước Việt Nam không kiểm duyệt, cắt bỏ những hình ảnh này trước khi phim được chiếu ở Việt Nam thì sẽ gây tác hại rất lớn về chính trịvăn hóa). Tại các nước có nền điện ảnh lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... chính phủ các nước này đã thành lập những Cơ quan, Hội đồng kiểm duyệt và thẩm định phim rất lớn, gồm vài trăm thành viên để có đủ nhân sự kiểm duyệt hàng trăm bộ phim, Video âm nhạc mỗi ngày, kể cả phim chiếu rạp lẫn phim chiếu trên mạng internet.Việc kiểm duyệt và phân loại phim có thể thực hiện bằng 2 phương pháp: "tiền kiểm" (tức là kiểm duyệt, cấp phép rồi mới cho trình chiếu) hoặc "hậu kiểm" (tức là cho trình chiếu mà không cần kiểm duyệt và cấp phép trước, nếu phim có vấn đề thì mới cấm chiếu và xử phạt). Tuy nhiên, điện ảnh là ngành gây ảnh hưởng rất rộng và nhanh chóng, nên hầu như tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng phương pháp "tiền kiểm", bởi chỉ có phương pháp này là đảm bảo tốt việc ngăn chặn những bộ phim có nội dung xấu, độc hại trước khi chúng được công chiếu. Còn phương pháp "hậu kiểm" thì có nhược điểm rất lớn, đó là cơ quan kiểm duyệt sẽ không thể phát hiện ra vi phạm trước khi phim được trình chiếu, khi phát hiện ra vi phạm và cấm trình chiếu thì cũng chỉ là "mất bò mới lo làm chuồng" và không còn tác dụng gì nữa, vì chỉ cần 1 ngày trình chiếu tại các rạp phim là đã có hàng trăm nghìn người xem và bị ảnh hưởng xấu từ bộ phim đó rồi (đối với phim phát hành trên mạng internet thì việc "hậu kiểm" thậm chí không có tác dụng, vì chỉ sau vài phút là bộ phim đã được lan truyền và tải về trên khắp thế giới internet, không thể thu hồi lại được nữa).Do sự phát triển của công nghệ, hiện nay phim ảnh, Game show, Video âm nhạc (MV) đã không chỉ chiếu ở rạp phim, truyền hình mà còn có thể phát hành trên mạng internet, thu hút nhiều người xem hơn cả phim truyền hình. Nếu nhà nước không áp dụng quy định bắt buộc phim phát hành trên Internet phải trải qua kiểm duyệt trước khi trình chiếu, thì sẽ dẫn tới tình trạng nhiều bộ phim có nội dung, hình ảnh vi phạm pháp luật, gây băng hoại đạo đức nhưng vẫn được nhà sản xuất tung lên mạng internet để "né kiểm duyệt của Nhà nước". Ví dụ như ở Việt Nam, Luật điện ảnh năm 2006 đang có lỗ hổng lớn khi bỏ sót vấn đề kiểm duyệt phim trên mạng Internet, dẫn tới tình trạng nhiều công ty, nghệ sĩ đã tự ý đăng tải tràn lan những bộ phim, Game show, Video âm nhạc lên mạng internet để né tránh việc bị cơ quan Nhà nước kiểm duyệt. Hậu quả là nhiều bộ phim, video âm nhạc của Việt Nam có nội dung rất phản cảm (bạo lực xã hội đen, mê tín dị đoan, hình ảnh tình dục, đồng tính luyến ái...) lẽ ra phải cắt bỏ hình ảnh phản cảm hoặc thậm chí cấm trình chiếu, nhưng lại được trình chiếu tràn lan trên mạng internet mà không bị kiểm duyệt, cũng không có biện pháp kỹ thuật kiểm soát độ tuổi người xem, nên đã gây ra những tác hại nghiêm trọng về văn hóagiáo dục, đặc biệt là với trẻ em[1]. Vì vậy, việc kiểm duyệt phim ảnh, Game show, video âm nhạc đã được nhiều nước mở rộng áp dụng đối với cả sản phẩm phát hành trên mạng internet. Theo đó, cá nhân hoặc tổ chức muốn đăng tải phim ảnh, Game show, Video âm nhạc lên mạng internet thì phải được cơ quan kiểm duyệt cấp phép, nếu không tuân thủ thì sẽ bị phạt nặng. Ví dụ như Hàn Quốc đã đưa ra điều luật: từ tháng 8/2012, mọi bộ phim, Game show, video ca nhạc (MV) sản xuất tại Hàn Quốc chỉ được phép đăng tải lên mạng sau khi đã chịu sự kiểm duyệt của Bộ Xếp loại truyền thông Hàn Quốc, và khi đăng tải thì phải có biện pháp kỹ thuật chặt chẽ để ngăn chặn trẻ em xem những sản phẩm không phù hợp với lứa tuổi (người xem phải đăng ký tài khoản dựa trên mã số căn cước công dân, rồi nhập mật khẩu thì mới xem được). Hoặc Chính phủ Trung Quốc năm 2017 đã đưa ra quy định: mọi bộ phim, Game show, video ca nhạc muốn đăng tải lên mạng đều phải được các đài truyền hình cấp phép, nếu tự ý đăng tải thì sẽ bị xử phạt nặng, đồng thời Hiệp hội dịch vụ Netcast Trung Quốc là cơ quan Chính phủ được trao thẩm quyền kiểm duyệt, xử phạt mọi website để thi hành quy định này.Phim ảnh là một sản phẩm đặc thù, rất khó có tiêu chí định lượng cụ thể, cùng 1 cảnh phim nhưng bối cảnh khác nhau sẽ tạo hiệu ứng rất khác nhau (ví dụ như cùng 1 kiểu cảnh quay bắn súng giết người, đặt trong phim chiến tranh thì người xem có thể chấp nhận nhưng đặt trong thể loại phim tâm lý thì lại rất phản cảm). Chưa kể có những cảnh phim ở nước này là bình thường, nhưng ở nước khác lại là cấm kỵ (ví dụ như: cảnh phim người ăn thịt chó là bình thường ở Đông Á nhưng lại là cấm kỵ tại các nước châu Âu). Để đảm bảo việc kiểm duyệt và phân loại phim được thực hiện hợp lý, người ta phải thành lập cả một hội đồng duyệt phim gồm nhiều thành viên, bao gồm các nhà biên kịch, đạo diễn có kinh nghiệm kết hợp với đại diện của cơ quan Chính phủ, nhiều khi còn có thêm cả đại diện cơ quan an ninh văn hóa, đại diện các tổ chức tôn giáo, cơ quan bảo vệ trẻ em, các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý v...v...Do việc kiểm duyệt và phân loại phim có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự thống nhất áp dụng, trách nhiệm pháp lý và sự tuân thủ cao như vậy nên tại đa số các nước (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc, Ấn Độ...), việc kiểm duyệt phim sẽ do cơ quan Chính phủ đảm nhiệm chứ không được giao cho các đơn vị tư nhân, cũng không được giao cho đơn vị sản xuất tự kiểm duyệt (bởi nếu giao cho các công ty tư nhân hoặc nhà sản xuất tự kiểm duyệt phim của họ thì chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi", và sẽ làm phát sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực như: mâu thuẫn trong quan điểm kiểm duyệt giữa các công ty thẩm định khác nhau, nhà sản xuất cố ý kiểm duyệt nhẹ tay với phim do chính họ sản xuất, công ty kiểm duyệt móc nối với nhà sản xuất để kiểm duyệt phim dễ dãi, hoặc nhận hối lộ để kiểm duyệt thiên vị với phim của hãng đối thủ...)Để đảm bảo tính pháp lý và tuân thủ nghiêm ngặt, việc kiểm duyệt và phân loại phim tại các nước luôn được giao cho một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ, cơ quan này sẽ thực hiện việc kiểm duyệt và phân loại tất cả mọi bộ phim để đảm bảo thống nhất trong nội dung kiểm duyệt và trình chiếu trên cả nước. Chỉ có một vài nước (như Hoa Kỳ) thì việc kiểm duyệt, đánh giá mới được giao cho một tổ chức không thuộc Chính phủ là Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ - MPAA (bởi MPAA có thực quyền rất mạnh để có thể khiến các công ty sản xuất phim phải tuân thủ), tuy vậy Hoa Kỳ vẫn có các cơ quan kiểm duyệt phim ảnh trực thuộc chính phủ ở từng tiểu bang để kiểm duyệt phim phát hành trong lãnh thổ tiểu bang đó.